Sản xuất cây con trong bầu đất

Bài này cung cấp những kiến thức và kỹ năng sản xuất cây tiêu giống trong bầu, tạo cây giống cho trồng mới.
A.   Nội dung chính:
1. Vệ sinh vườn ươm, chuẩn bị mặt bằng
- Dọn sạch cỏ, rễ cây, rác,…gom tất cả ra bìa vườn ươm rồi đốt.
- San bằng mặt đất.
2. Chuẩn bị dụng cụ và nguyên vật liệu:
- Bì nilon, kích thước: (17 x 30)cm (loại bì khi cho đất vào nặng 2kg). Bì đục 8 lỗ (đục 2 nhát cách đáy bì khoảng lóng tay, 2 nhát tiếp theo đục giữa bì).
- Đất tốt lớp mặt: 80%.
- Phân chuồng hoai mục: 15%
- Phân lân vi sinh hoặc Lân Văn Điển hoặc tro: 3%.
- Vôi và Furadan dạng hạt.
- Cuốc.
- Cào.
- Xẻng.
3. Làm luống:
- Luống rộng 1,2 – 1,4m; dài 20 – 25m tùy địa thế vườn ươm.
- Luống này cách luông kia 0,5m.
- Xung quanh luống có rãnh thoát nước.
- Làm giàn che.
 
4. Trộn hỗn hợp bầu:
Toàn bộ hỗn hợp trên trộn đều, nhỏ. Loại bỏ sạn, lá khô, cành tăm nhỏ,…
5. Đóng và xếp bầu vào luống:
- Đóng bầu đất: đóng chặt chân bầu, đóng đất đầy bầu.
- Đóng bầu đất tới đâu, xếp bầu vào luống tới đó.
- Xếp bầu vào luống theo kiểu “nanh sấu”.
- Xếp bầu vào kín luống tới đâu, lấp đất xung quanh hàng bầu ngoài bìa để chống ngã bầu.
-  Lấp đất cao nửa bầu.

 
Hình 4.1: đóng và xếp bầu đất vào luống
 
A.   Kiến thức cần thiết để thực hiện công việc:
-       Kỹ thuật trộn vật liệu độn bầu. Kỹ thuật đóng và xếp bầu vào luống..
-       Câu hỏi củng cố kiến thức: trình bày tiêu chuẩn của hỗn hợp độn bầu và tiêu chuẩn của bầu đất.
 
 
B.   Các bước và cách thức thực hiện công việc:
Các bước thực hiện công việc Tiêu chí thực hiện công việc
Bước 1: tạo luống xếp bầu Luống phẳng, thẳng, không lớn hơn kích thước qui định
Bước 2: trộn hỗn hợp độn bầu Đều, đúng tỷ lệ
Bước 3: đục lỗ túi bầu Đủ lỗ và đủ độ lớn
Bước 4: đóng và xếp bầu vào luống Bầu không bị gãy, đầy bầu, xếp thẳng và đứng bầu
Bước 4: lấp đất vào xung quanh luống lấp hết xung quanh luống, đủ độ cao 2/3 bầu.
 
Cách thức thực hiện công việc  
-         Giáo viên làm mẫu 1 lần, vừa nói vừa làm minh họa. Học sinh lắng nghe và  quan sát.
-         Chia nhóm 3-5 học sinh, mỗi nhóm thực hiện 01 luống bầu từ 100 bầu đất. Giáo viên quan sát, hỗ trợ và giải đáp vướng mắc. Khắc phục những lỗi thường gặp.
 
 
 
 
 
-         Những lỗi thường gặp: bầu đóng bị gãy, xếp bầu bị nghiêng, đóng không đầy bầu.
C.   Bài tập và sản phẩm thực hành của học viên:
1. Tên bài thực hành Tạo bầu đất
2. Nguồn lực -         Hỗn hợp trộn bầu
-         Túi bầu: 1000 cái
-         Máng xúc đất: 30 cái
-         Cuốc: 10 cái
-         Cào: 10 cái
-         Xẻng: 10 cái
3. Thời gian thực hiện  12  giờ
4. Sản phẩm thực hành Bầu đất
5. Tiêu chuẩn sản phẩm -         Đất đầy bầu
-         Không bị gãy
-         Xếp không bị nghiêng
-         Xếp sát vào nhau
6. Hình thức trình bày tiêu chuẩn sản phẩm Quan sát luống bầu đất
 
D.   Yêu cầu về đánh giá kết quả học tập
Stt Nội dung đánh giá Cách thức và phương pháp đánh giá
1.     Tiêu chuẩn bầu đất Giáo viên hỏi, học viên trả lời.
2.     Khả  năng đóng bầu đất và bầu đất Chia nhóm 3-5 học viên. Mỗi nhóm chuẩn bị một luống đất riêng biệt. Giáo viên quan sát các nhóm và đánh giá các thao tác, bầu đất và luống bầu. Căn cứ vào mức độ hoàn thiện của sản phẩm để chấm điểm.
3.     Thái độ thực hiện công việc, tỷ lệ số giờ tham gia lớp học Giáo viên quan sát thái độ thực hiện công việc, ý thức tiết kiệm và bảo quản vật tư, dụng cụ.
Danh sách điểm danh số giờ tham gia
 
E.   Ghi nhớ:
-         Chú ý khâu lấp đất xung quan luống để giữ cho bầu đứng vững.

Bài 2:
CHUẨN BỊ VÀ CẮM HOM GIỐNG VÀO BẦU ĐẤT
Mã bài: M4-02
A.   Giới thiệu:
-       Công việc này bao gồm việc chọn giống, xử lý và cấy hom giống vào bầu.
-       Chất lượng của công việc này liên quan đến tính thời vụ và nguồn giống để chọn.
-       Cần xử lý giống cẩn thận để góp phần vào biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây Tiêu.
B.   Mục tiêu:
-       Trình bày được tiêu chuẩn vườn giống, dây giống và hom giống.
-       Cắt và gỡ dây giống ra khỏi trụ đúng kỹ thuật.
-       Cắt, chọn và xử lý hom giống đúng kỹ thuật.
-       Cắm được hom giống vào bầu đúng kỹ thuật
-       Có ý thức tiết kiệm, ý thức quản lý bảo vệ dụng cụ và vật tư học tập, ý thức học tập.
C.   Nội dung:
1.   Chọn vườn tiêu để lấy dây hom:
-       Trên vườn tiêu 10 – 12 tháng tuổi (đối với dây thân chính).
-       Vườn tiêu sạch bệnh.
-       Vườn tiêu khỏe mạnh.
-       Vườn tiêu sinh trưởng đồng đều.
2.   Chọn dây tiêu tốt:
-       Sinh trưởng khỏe mạnh, đồng đều.
-       Dây tiêu không bị vống (lóng dài).
-       Dây cao cách mặt đất 2m, không dị dạng.
-       Đường kính dây lương lớn hơn 5mm (nửa ngón tay út).
3.   Thời điểm lấy giống:
-       Rễ thằn lằn phát triển mạnh(rễ có màu trắng).

Hình 4.2: rễ thằn lằn đang phát triển mạnh
-       Ngừng bón phân ít nhất 30 ngày trước khi lấy giống.
4.     Cắt và lấy dây hom ra khỏi trụ:
-       Dụng cụ: dao sắc (bén), thúng.

Hình 4.3: dao dùng để cắt dây và hom tiêu giống
-       Cách thực hiện:
+       Dùng dao cắt ngang hom thân, chừa gốc một đoạn 50 – 60cm.
+       Gỡ dây tiêu từ dưới gốc lên ngọn.
+       Chú ý, dây tiêu gỡ xong không bị xoắn dập.
+       Nhẹ nhàng cho dây hom vào thúng
5.     Cắt tỉa và chọn hom tốt
-       Dùng dao cắt bỏ phần ngọn dây non.
-       Cắt một hom giống:
hom than
Hình 4.4: hom tiêu giống sau khi cắt
+ Gồm 5 đốt, các đốt trên hom phải có rễ bám (rễ thằn lằn) tốt.
+ Hom có mang ít nhất một cành quả (hình hom thân).
+ Phần dưới hom cắt xéo cách mắt (đốt) dưới cùng 3 cm (lóng tay).
+ Cắt tỉa bỏ các lá, cành trên hom ở các mắt (đốt) vùi vào đất, chỉ để lại 1-2 cành ở các đốt trên mặt đất.
6.     Xử lí hom tiêu:
Hom tiêu cắt xong, cần xử lý bằng một trong hai cách sau:
Cách 1:
-       Nhúng trong dung dịch NAA 500-1.000mg/lít nước hoặc IBA 50 – 55mg/1 lít nước hoặc Bốc đô 1%, nhúng xong lấy ra ngay.
Cách 2:
-       Ngâm toàn bộ hom trong dung dịch thuốc chưa hoạt chất Benomyl như: Benotigi 50WP, Viben50BTN, Benlate 50WP, Bemyl 50WP, Ben 50WP, từ 1-2 phút.

Hình 4.5: thuốc Benotigi và Viben-C dùng xử lý hom giống
 
7.     Xử lí bầu trước khi cắm hom giống
-       Tưới đẫm nước trước khi cắm hom 1 ngày hoặc 1 đêm.
-       Có thể phun thuốc Bốc đô lên bầu đất trước khi cắm hom từ 1-2 ngày.
 
8.     Cắm hom giống vào bầu
-       Dùng chiếc đũa hoặc que bằng chiếc đũa cắm sâu 2/3 giữa tâm bầu.
-       Cắm 3 đốt dưới mặt bầu, chừa 2 đốt (mắt) trên mặt bầu.
-       Dùng đầu đũa chèn (lấp) đất chặt hom.
 
D.   Kiến thức cần thiết để thực hiện công việc:
-         Kỹ thuật chọn giống tiêu. Kỹ thuật cắt chọn hom giống. Kỹ thuật cắm hom giống vào bầu đất. Kiến thức này được áp dụng cho cả việc tạo cây con trên luống và trong bầu đất.
-         Câu hỏi củng cố kiến thức: Thế nào là vườn giống tốt, dây giống tốt, hom giống tốt.
E.   Các bước và cách thức thực hiện công việc:
 
Các bước thực hiện công việc Tiêu chí thực hiện công việc
Bước 1: chuẩn bị vườn giống, dụng cụ, vật tư cần thiết. vườn giống đạt tiêu chuẩn, đủ dụng cụ, vật tư
Bước 2: xử lý bầu đất trước khi cắm hom ít nhất 1 ngày, đều
Bước 3: cắt và tách dây tiêu ra khỏi trụ không dập, gãy dây tiêu
Bước 4: cắt chọn hom giống không bị dập, đủ số mắt qui định
Bước 5: xử lý hom giống đúng thời gian, loại thuốc
Bước 6: cắm hom vào bầu đúng độ sâu, nén đất đủ chặt
Bước 7: tưới nước đều, ngay sau khi cắm hom kết thúc
 
Cách thức thực hiện công việc
-       Giáo viên làm mẫu cho học sinh quan sát, vừa thực hiện vừa giảng giải. Lưu ý học sinh những thao tác quan trọng như khử trùng dao cắt, gỡ tiêu từ dưới gốc lên, nếu rễ tiêu bám chặt thì phải dùng dao báy hỗ trợ khi gỡ. Học sinh quan sát và lắng nghe.
-       Chia nhóm 3-5 học sinh để thực hiện công việc. Giáo viên quan sát, hỗ trợ và giải đáp vướng mắc.
 
-         Những lỗi thường gặp: hom giống bị dập do dao cùn. Cắm hom quá sâu hoặc quá cạn, lấp đất không chặt.
F.    Bài tập và sản phẩm thực hành của học viên:
1. Tên bài thực hành Chuẩn bị hom giống và giâm cắm hom vào bầu
2. Nguồn lực -         Vườn tiêu giống: 01 vườn
-         Dao: 30 cái
-         Thúng: 6 cái (mỗi nhóm 01 cái)
-         Cồn: 30 lọ
-         Bông hấp: 10 gói nhỏ
-         Thuốc Viben 50EC (hoặc thuốc có cùng hoạt chất): gói 100g hoặc chai 100cc.
-         Luống bầu đất (đã chuẩn bị ở Bài 1)
3. Thời gian thực hiện 8 giờ
4. Sản phẩm thực hành -         Hom tiêu đạt tiêu chuẩn
-         Luống tiêu giâm trong bầu đạt tiêu chuẩn
5. Tiêu chuẩn sản phẩm -         Hom tiêu giống đủ số đốt quy định
-         Không dập, gãy.
-         Cắm đạt độ sâu qui định
6. Hình thức trình bày tiêu chuẩn sản phẩm Quan sát quá trình thực hiện của học viên và ước lượng
 
G.  Yêu cầu về đánh giá kết quả học tập:
 
Stt Nội dung đánh giá Cách thức và phương pháp đánh giá
1.     Trình bày tiêu chuẩn vườn giống và hom giống tiêu. Giáo viên hỏi, học viên trả lời và chấm điểm.
2.     Chuẩn bị hom giống, cắm hom vào bầu và luống tiêu giâm trong bầu. Chia nhóm 3-5 học viên để thực hiện,  giáo viên quan sát thao tác thực hiện và mức độ hoàn thiện sản phẩm để chấm điểm.
3.     Thái độ thực hiện công việc, tỷ lệ số giờ tham gia lớp học Giáo viên quan sát thái độ thực hiện công việc, ý thức tiết kiệm và bảo quản vật tư, dụng cụ.
Danh sách điểm danh số giờ tham gia
 
H.   Ghi nhớ:
-         Không để hom giống lâu, mà chỉ nên tiến hành trong ngày từ khi cắt đến khi giâm vào luống.

Bài 3:
CHĂM SÓC CÂY CON TRONG BẦU
VÀ CHỌN CÂY XUẤT VƯỜN
Mã bài: M4-03
A.   Giới thiệu
-         Các công việc này tiến hành rời rạc, kéo dài trong thời gian từ 2-3 tháng.
-         Các công việc cần thực hiện như tưới nước, bón phân thúc, làm cỏ, đảo bầu, phòng trừ sâu bệnh hại tiêu.
B.   Mục tiêu:
-         Chăm sóc cây con trong bầu đúng kỹ thuật.
-         Có ý thức tham gia học tập tốt, bảo quản dụng cụ và vật tư học tập.
C.   Nội dung:
1.     Che nắng, chắn gió
Che nắng:
-         Làm giàn che cách mặt đất 2m.
-         Vật liệu che: lưới nilon hoặc lá dừa.
-         2 tháng đầu che 2 lớp lưới hoặc lá dừa dày.
-         2 tháng tiếp theo, che 1 lớp hoặc dỡ thưa lá dừa.
-         Tháng cuối cùng che mỏng, để 80% ánh sáng.
Chắn gió:
-         Dùng cót/lưới đen chắn xung quanh vườn ươm
 

Hình 4.6: dùng lưới đen để che nắng và chắn gió cho vườn ươm
2.     Tưới nước:
Lượng nước tưới hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Nếu tạo cây con trong mùa không có mưa thì phải tưới thường xuyên.
-         Tuần đầu: tưới 02 lần/ ngày.
-         Tuần thứ hai: tưới 1 lần/ngày
-         Chú ý: tưới nhiều cây Tiêu dễ bị nấm bệnh.
3. Làm cỏ, phá váng:
-         Nhổ cỏ bằng tay.
-         Thường xuyên nhổ cỏ, không để có quá tốt trong bầu tiêu.
-         Dùng chiếc đũa hoặc que để xới xáo mặt bầu.
-         Chú ý khi làm cỏ và xới váng: không làm gãy các mầm non.
4. Bón phân thúc:
-         Lúc cây giống từ 1 – 3 lá thật:
-         Loại phân bón: Ure và KCl (phân muối ớt).
-         Trộn đều 3 lạng (300g) Ure và 2 lạng (200g) phân muối ớt (KCl).
-         Cho 2 loại phân trên vào xô nước 100 lít khuấy thật đều.
-         100 lít tưới đủ luống bầu 30 – 35m2.
-         Nếu giảm lượng nước tưới bao nhiêu phần thì lượng phân giảm theo đúng bấy nhiêu phần.
-         Tưới lại bằng nước lã (nước sạch).
-         Định kỳ: 7 – 10 ngày tưới 1 lần phân.
Lúc cây giống từ 4 – 6 lá thật:
-         Loại phân bón: Ure và KCl (phân muối ớt).
-         Trộn đều 7 lạng (700g) Ure và 3 lạng (300g) phân muối ớt (KCL).
-         Cho 2 loại phân trên vào xô nước 100 lít khuấy thật đều.
-         Tưới phân 2 - 3 lít/m2, xô nước phân 100 lít tưới đủ luống bầu 30 – 35m2.
-         Tưới lại bằng nước lã (nước sạch).
-         Định kỳ:  10 ngày tưới 1 lần phân, tuy nhiên phải dựa vào khả năng sinh trưởng thực tế của cây để bón phân.

Hình 4.7: dùng thùng ô doa để tưới phân
5. Đảo bầu
Lý do phải đảo bầu
-         Đảo bầu để phân loại cây.
-         Đảo bầu để phá váng mặt bầu.
-         Dễ chăm sóc cây lớn và cây nhỏ.
Cách tiến hành:
-         Lấy bầu cây ra khỏi luống.
-         Bóp nhẹ đoạn trên của bầu.
-         Xếp cây lớn vào 1 bên, cây nhỏ vào 1 bên lại vào luống.
-         Chèn đất xung quanh luống.
6. Huấn luyện cây con:
-         Lý do phải huấn luyện cây con:
+       Thích nghi dần khi ra môi trường mới (khi trồng mới).
+       Chống chịu với môi trường mới bất lợi.
-         Tháo bớt giàn che và giảm nước tưới:
+       02 tháng đầu, che dày 2 lớp lưới, khoảng 30% ánh sáng lọt vào.
+       Thời gian tiếp theo (khi cây có 3-5 lá), che thưa, khoảng 70 % ánh sáng lọt vào.
+       Tháng cuối cùng, dần dần dở hết lưới che.
+       Giảm dần lượng nước tưới, ngừng tưới 7 ngày trước khi xuất vườn.
7. Tiêu chuẩn cây xuất vườn
-         Cây được ươm 4 - 5 tháng
-         Cây có ít nhất 1 chồi mang 5 – 6 lá.
-         Cây không bị sâu bệnh, dị dạng.
-         Cây được huấn luyện ánh sáng và ngừng tưới từ 7 ngày trước.

Hình 4.8: Cây tiêu giống đạt tiêu chuẩn xuất vườn

Hình 4.9: luống tiêu giống giâm trong bầu
D.   Kiến thức cần thiết để thực hiện công việc:
-         Kỹ thuật chăm sóc cây trong trong bầu: tưới nước, bón phân, đảo bầu, phòng trừ sâu bệnh hại, huấn luyện cây con và chọn cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn.
-         Câu hỏi củng cố kiến thức: Trình bày tiêu chuẩn cây tiêu giống xuất vườn.
E.   Các bước và cách thức thực hiện công việc:
Công việc 1: tưới phân cho tiêu
Các bước thực hiện công việc Tiêu chí thực hiện công việc
Bước 1: chuẩn bị phân bón Đủ và đúng chủng loại
Bước 2: hòa phân vào nước Phân tan hết
Bước 3: tưới phân/phun phân Đều, chỗ xấu phun/tưới nhiều hơn chỗ tốt
Bước 4: tưới lại nước lã. Ngay sau khi tưới phân xong
 
Cách thức thực hiện công việc  
-         Giáo viên làm mẫu 1 lần cho học viên quan sát.
-         Chia học sinh theo nhóm 3-4 người để tiến hành công việc. Giáo viên theo dõi và giúp đỡ.
 
 
 
 
 
Các lỗi thường gặp: không tưới lại nước lã, hòa phân không đều, tưới không đều, cháy lá do hòa phân nhiều.
 
Công việc 2: Đảo bầu
Các bước thực hiện công việc Tiêu chí thực hiện công việc
Bước 1: lấy cây con ra khỏi luống Lấy lần lược từ ngoài vào, không làm đổ các bầu còn lại.
Bước 2: bóp nhẹ đoạn trên bầu và nhổ cỏ Sạch cỏ, không bị bể bầu
Bước 3: phân loại và xếp bầu vào luống. Không lẫn cây tốt và xấu vào nhau. Xếp bầu thẳng, sát vào nhau, không làm ảnh hưởng đến chồi tiêu.
Bước 4: chèn đất lại xung quanh luống. Đúng độ cao 2/3 bầu.
 
Cách thức thực hiện công việc
-         Giáo viên làm mẫu 1 luống cho học viên quan sát.
-         Chia học sinh theo nhóm 3-4 người để tiến hành công việc. Giáo viên theo dõi và giúp đỡ.
 
Các lỗi thường gặp: làm rách túi bầu, làm gãy các chồi non trong bầu.
F.    Bài tập và sản phẩm thực hành của học viên:
Bài tập 1:
 
1. Tên bài thực hành Bón phân thúc
2. Nguồn lực -         Phân bón: Ure và Kali
-         Ô doa/bình bơm: 1 cái/nhóm
-         Nguồn nước sạch
-         Cọc gỗ
3. Thời gian thực hiện 4 giờ
4. Kết quả và sản phẩm thực hành Luống cây được tưới phân
5. Tiêu chuẩn sản phẩm Thực hiện đúng các bước, phân phải tan hết trước khi tưới, tưới không sót.
6. Hình thức trình bày tiêu chuẩn sản phẩm Một người trong nhóm trình bày.
Bài tập 2:
 
1. Tên bài thực hành Đảo bầu
2. Nguồn lực -         Găng tay: 01 đôi/người
-         Cuốc: 1 cái/nhóm
3. Thời gian thực hiện 8 giờ
4. Kết quả và sản phẩm thực hành Luống tiêu giống sau khi nhổ sạch cỏ và phân loại lớn nhỏ.
5. Tiêu chuẩn sản phẩm Sạch cỏ, cây lớn xếp riêng cây nhỏ xếp riêng.
6. Hình thức trình bày tiêu chuẩn sản phẩm Quan sát luống cây sau khi nhổ cỏ, phân loại và xếp lại thành luống mới.
 
G.  Yêu cầu về đánh giá kết quả học tập:
Stt Nội dung đánh giá Cách thức và phương pháp đánh giá
1.     Khả năng bón phân thúc Chia nhóm 3-5 học viên để thực hiện,  giáo viên quan sát thao tác thực hiện và mức độ hoàn thiện sản phẩm để chấm điểm.
2.     Khả năng đảo bầu Chia nhóm 3-5 học viên để thực hiện,  giáo viên quan sát thao tác thực hiện và mức độ hoàn thiện sản phẩm để chấm điểm.
3.     Thái độ thực hiện công việc, tỷ lệ số giờ tham gia lớp học Giáo viên quan sát thái độ thực hiện công việc, ý thức tiết kiệm và bảo quản vật tư, dụng cụ.
Danh sách điểm danh số giờ tham gia
 
H.   Ghi nhớ:
Cần phải chuẩn bị bầu tiêu giống trước khoảng 30 ngày mới có hiện trường thực hành.
Trước khi tưới phân, giáo viên phải kiểm tra phân đã tan hết mới cho tưới.
Hướng dẫn cách giảm lượng phân và nước theo tỷ lệ để phù hợp với nhu cầu tưới. Ví dụ: cần 20 lít nước phân để tưới, tức là phải giảm lượng phân xuống 1/5 lần so với hòa trong 100 lít như ở hướng dẫn.
 
 
CÁC THUẬT NGỮ CHUYÊN MÔN
 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-       Phạm Văn Biên, Bùi Cách Tuyến, Nguyễn Mạnh Chinh. Cẩm nang sâu bệnh hại cây trồng, quyển 2. NXB Nông nghiệp Tp HCM, 2004.
-       Phạm Văn Biên, Bùi Cách Tuyến, Nguyễn Mạnh Chinh. Cẩm nang thuốc bảo vệ thực vật. NXB Nông nghiệp Tp HCM, 2002.
-       Viện KHKT NLN Tây Nguyên.  Giáo trình cây Hồ Tiêu. 

Nguồn tin: GIÁO TRÌNH CỦA TRƯỜNG TRUNG HỌC LÂM NGHIỆP TÂY NGUYÊN