Bản quyền giống cây ăn trái đầu tiên ở VN

Bản quyền giống cây ăn trái đầu tiên ở VN
Cuối tuần qua, tại Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đã diễn ra hội thảo “Công bố bản quyền giống thanh long ruột tím hồng LĐ5 và thương mại hóa giống”.

Cuối tuần qua, tại Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đã diễn ra hội thảo “Công bố bản quyền giống thanh long ruột tím hồng LĐ5 và thương mại hóa giống”.

Đây được coi là bước đi đầu tiên cho việc bảo hộ giống cây trồng ở khu vực này khi Công ty TNHH Thanh Long Hoàng Hậu (Bình Thuận) đã đăng ký mua bản quyền giống thanh long LĐ5 với giá 2 tỷ đồng!

Gần hơn vấn đề “bảo hộ giống cây trồng”

Theo ông Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, vấn đề bản quyền đối với giống cây trồng đã được áp dụng ở nhiều nước phát triển. Theo đó, khi tạo ra một giống mới, các đơn vị nghiên cứu sẽ bán quyền khai thác giống này cho một công ty để họ tổ chức khai thác. Công ty sẽ toàn quyền khai thác theo hướng của họ và cũng là đơn vị duy nhất được quyền tổ chức sản xuất, bán cây giống hay XK trái cây sau này.

Luật bản quyền giống cây trồng đã quy đinh rõ là không có một cá nhân, tổ chức nào được phép trồng, kinh doanh loại giống đó mà không có sự thỏa thuận đối với công ty mua bản quyền. Như vậy, việc một công ty mua quyền khai thác giống ở các nước phát triển là động lực rất lớn để các viện nghiên cứu tiếp tục cho ra những giống mới tốt hơn.

Ở Việt Nam, việc gia nhập vào tổ chức UPOV vào tháng 12/2006 (tổ chức về Bản quyền Giống cây trồng quốc tế) là bước chạy đà để có thể phổ biến rộng rãi hơn về luật này đến với bà con nông dân cả nước. Bảo hộ giống cây trồng sẽ là sự bền vững để bảo đảm cho nông dân sản xuất giống cây trồng tốt nhất; tạo điều kiện tái đầu tư trong nghiên cứu và được xuất phát từ yêu cầu sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, từ trước đến nay việc mua bản quyền cho giống cây trồng chỉ được phổ biến và phát triển ở hầu hết các tỉnh thành phía Bắc. Còn riêng khu vực phía Nam thì vẫn chưa có một cuộc trao đổi trực tiếp nào về vấn đề này đến với các HTX, nhà vườn.

Chính vì thế, hội thảo này là bước đi đầu tiên, một hướng phát triển mới trong công tác sản xuất, quy định về bản quyền cho giống cây trồng khu vực này. Quan trọng hơn, nó là sự khởi đầu cho bảo hộ giống cây ăn trái của cả nước nói chung và khu vực phía Nam nói riêng.

"Phát súng" đầu tiên về cây ăn trái

Cũng trong buổi hội thảo, “nhân vật chính” của chương trình là giống thanh long ruột tím hồng LĐ5 sẽ được công bố bản quyền và thương mại hóa. Theo báo cáo, đây là giống thanh long được lai cổ điển từ giống thanh long ruột đỏ Long Định 1 (làm mẹ) và giống thanh long ruột trắng Chợ Gạo (làm bố).

Với những đặc tính vượt trội như cành trưởng thành to, khỏe; có khả năng ra hoa khá mạnh và gần như quanh năm, có khả năng thụ phấn tự nhiên để tạo quả. Trung bình mỗi quả có trọng lượng 351,2g, hình trứng, vỏ quả màu đỏ tươi, sáng và khá bóng đẹp, có hàm lượng vitamin C cao (trung bình đạt 18,27mg/100ml dịch quả), và có tỷ lệ ăn được lên tới 74,68%.

Về năng suất trung bình đạt 36,70kg/trụ/năm tại tỉnh Tiền Giang, 24,08kg/trụ/năm tại Long An và 23,47 kg/trụ/năm tại Bà Rịa-Vũng Tàu (cây 36 tháng tuổi), khả quan hơn so với những giống thanh long khác.

Giống thanh long ruột tím hồng LĐ5 đã được Cục Trồng Trọt - Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp Quyết định công nhận giống cây trồng cho sản xuất thử ngày 19/5/2011 và cấp bằng Bảo hộ giống Cây trồng mới ngày 27/02/2012.

Buổi hội thảo chính là bước đi đầu tiên của cả nước trong việc công bố bản quyền giống cây ăn trái, cụ thể là giống thanh long LĐ5. Đồng thời, đây cũng là dịp để các DN, nhà vườn đủ điều kiện có thể sở hữu giống này và hưởng các quyền lợi theo Luật bảo hộ giống cây trồng.

 

Cuối cùng, đại diện Công ty TNHH Thanh Long Hoàng Hậu (đơn vị Bình Thuận) đã đăng ký mua bản quyền giống thanh long LĐ5. Đây được coi là tiền đề và sự khởi đầu thuận lợi cho hướng đi sắp tới cho bản quyền giống cây ăn trái cả nước.