Xót xa thủ phủ 'vàng đen': Phải có biện pháp, chế tài nông dân

Một vườn tiêu chết do “sốc nhiệt”

Một vườn tiêu chết do “sốc nhiệt”

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, tỉnh Gia Lai, một trong những “lão làng” trong ngành hàng hồ tiêu Tây Nguyên cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến tiêu chết đồng loạt là thời tiết, rồi sau đó, giá xuống quá thấp, nên người trồng bị ảnh hưởng tâm lý nặng, bỏ bê vườn tiêu

Một trong những giải pháp ông Bính đưa ra để phát triển hồ tiêu bền vững là “phải có biện pháp chế tài trong sản xuất đối với người nông dân”. Vậy chế tài như thế nào?  

Đổ xô vay tiền đầu tư, rồi gánh nợ

“Nhu cầu của người ta chỉ có 1, mà anh đưa cho người ta 5, thì làm sao người ta tiêu hóa hết? Thừa quá nhiều mà. Cho nên, hiểu rõ thị trường là yếu tố then chốt để tránh việc muôn thuở của ta là làm ra mà chẳng có ai dùng. Giá cao khiến nông dân đổ xô vay tiền ngân hàng đầu tư, sau khi gánh một đống nợ thì giá tụt tận đáy khiến người trồng tiêu “chết”, rồi thời tiết thay đổi khiến tiêu chết hàng loạt. Đó là những vấn đề nhức nhối liên quan đến cây tiêu Tây Nguyên hiện nay”, ông Bính, mở đầu.

Theo ông Bính, năm 2015, số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế cho thấy, tổng sản lượng hồ tiêu thế giới là 475 ngàn tấn, trong khi lượng xuất nhập khẩu là 372 ngàn tấn, thừa hơn 100 ngàn tấn.

“Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế là giá hồ tiêu sẽ còn thấp trong vài năm tới. Họ nói chung chung vậy, còn tôi thì dự đoán giá thấp sẽ kéo dài 3 - 4 năm nữa. Tức là chu kỳ này sẽ dài hơn vài năm theo chu kỳ 10 năm thường thấy”.

“Cơ sở nào ông đưa ra con số dự báo là 3 - 4 năm?”, tôi thắc mắc. “Thì đó là thời điểm vườn tiêu chết, người trồng tiêu cũng “chết”, diện tích giảm, sản lượng giảm, cầu tăng thì giá lên thôi. Đây là quy luật cung cầu, không có bàn tay nào điều khiển được cả. Cái gì ít thì nhiều người cần, họ tranh nhau mua, giá tự khắc lên. Sản lượng hồ tiêu của Việt Nam tương đương 60% của cả thế giới, bán đi 109 nước, coi như gần khắp thế giới. Trăm người bán vạn người mua, đâu có ai can thiệp được”, ông Bính phân tích.

Nói về tình trạng hồ tiêu Tây Nguyên chết đồng loạt, ông Bính nhận định: Từ cuối năm 2015 sang 2016, bắt đầu có hiện tượng hồ tiêu chết. Nguyên nhân sâu xa, phải dùng đúng từ là do sốc nhiệt. Thời điểm đó, khô hạn, nắng nóng kéo dài, cây tiêu khi đó đang oằn mình dưới cái nắng nóng ba mấy độ, dưới đất cũng tích tụ khí nóng, rồi bất ngờ mưa đổ xuống, nước mưa khi đó chẳng khác gì nước sôi. Làm sao cây tiêu chịu nổi? Những vườn nào trồng trụ sống, có tán cây phía trên thì đỡ, còn vườn nào trồng trụ cây, trụ xây, cây chịu cái nắng nóng trực tiếp, lại bị hấp nhiệt từ trụ xây, chết rất nhanh.

16-42-26_nh_2
Ông Hoàng Phước Bính nói về nguyên nhân khiến tiêu chết hàng loạt

Khi tiêu chết đồng loạt, nhiều người nói rằng do sâu bệnh, giống, kỹ thuật. Đó chỉ là một phần nguyên nhân. Từ xưa đến giờ, họ vẫn trồng thế, thậm chí ít áp dụng kỹ thuật hơn, bệnh trên cây hồ tiêu vẫn có, và rải rác cũng có vườn tiêu chết trắng, nhưng không có tình trạng chết đồng loạt trên nhiều địa phương, chết đến mức nhiều nơi như Ia Blứ gần như bị xóa sổ như vậy. Cho nên, phải hiểu đúng bản chất của vấn đề thì mới giải quyết được.

Một nguyên nhân khác nữa khiến tiêu dễ chết, đó là đất không phù hợp cây tiêu. Ví như Ia Blứ, xã gần như đã bị xóa sổ tiêu, có nhiều điểm không thích hợp trồng tiêu, nhưng người dân vẫn trồng, khi mưa thuận gió hòa thì không sao, còn gặp thời tiết xấu, cây dễ chết và khó phục hồi.  

Chế tài bằng cách nào?

Theo ông Bính, người nông dân làm nông nghiệp theo phong trào, thấy cái gì bán chạy là đua nhau làm theo, không cần biết thị trường cần bao nhiêu. Và khi họ làm, dù chính quyền khuyến cáo, họ cũng cứ làm.

16-42-26_nh_3
Một vườn tiêu ở Chư Sê, Gia Lai đang có triệu chứng vàng lá, đang được các chuyên gia khảo sát, tìm nguyên nhân
Ông Bính chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường hồ tiêu Việt Nam bấp bênh là vì nhà nước không thể kiểm soát được sản lượng, hay nói cách khác là không kiểm soát được diện tích. Bởi vì phần lớn người nông dân vẫn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trên phần diện tích đất của mình. “Không chỉ hồ tiêu, mà bất kể cây, con gì, hễ nghe giá cao là họ đua nhau nuôi, trồng, bỏ ngoài tai mọi góp ý, cảnh báo”. “Vậy theo ông, có giải pháp nào để nhà nước có thể quản lý diện tích hồ tiêu vượt quy hoạch?”. Ông Bính đáp: “Đến bây giờ thì còn ai dám trồng nữa đâu? Diện tích đang giảm rồi đấy. Nhưng để tránh quy luật này lặp lại, không chỉ với riêng cây hồ tiêu, mà tôi nói chung cho cả ngành nông nghiệp, phải có biện pháp chế tài nông dân”.

“Đất của họ mà, pháp luật đâu có cấm họ được. Vậy thì chế tài bằng cách nào? Đó là chế tài bằng nguồn vốn. Nếu không có vốn, họ không thể làm, theo tôi thì có khoảng 95% nông dân vay vốn ngân hàng để đầu tư.

Trước giờ, khi có nông dân đến ngân hàng vay vốn, cán bộ tín dụng chỉ cần hỏi họ có tài sản thế chấp không? Sau khi định giá tài sản thế chấp người vay, họ cho vay số tiền bằng 1 nửa hoặc 1/3 giá trị tài sản thế chấp, làm sao đảm bảo thu hồi vốn và lãi, không cần biết họ vay đầu tư cái gì, ở đâu, phương án đầu tư thế nào, có khả thi không?

Cách đây 5 - 7 năm, chỉ cần ra ngân hàng vay tiền trồng tiêu, có 1ha đất là vay được ngay 1 - 2 tỷ đồng. Dễ thế cơ mà, làm sao kìm hãm cái ham muốn làm giàu nhanh của người nông dân được?”, ông Bính nói.

Biện pháp chế tài mà ông Bính đề xuất là ngành ngân hàng cần có trách nhiệm hơn trong việc xuất vốn cho nông dân.

“Khi người dân lên vay vốn, cán bộ ngân hàng phải làm cuộc điều tra thật kỹ, hỏi họ đầu tư cái gì? Ở đâu? Trước khi đầu tư, họ có hiểu biết gì về kỹ thuật, thị trường, cung cầu của loại sản phẩm mình định đầu tư hay không? Đầu tư xong có kế hoạch đầu ra hay không? Sau khi làm rõ những điều này, ngân hàng gửi hồ sơ qua chính quyền tham khảo ý kiến.

Xem khu vực đó, thời điểm ấy đầu tư sản phẩm ấy có thích hợp không? Địa phương sẽ trả lời cho họ biết rằng, ở Chư Sê thì thích hợp với cây tiêu, nhưng hiện giờ diện tích vượt nhiều rồi, lại sâu bệnh nữa, không nên tăng thêm. Hoặc nếu ở địa bàn thị xã Ayun Pa thì không thích hợp trồng tiêu, vì nó nằm trong khu vực lòng hồ Ayun Hạ, rất trũng.

Nếu việc này được tiến hành cách đây 2 - 3 năm, thì biết đâu, đã có thể hạn chế được hàng ngàn ha tiêu vượt quy hoạch, các ngân hàng ở Gia Lai và Tây Nguyên tránh được hàng ngàn tỷ đồng nợ xấu của nông dân trồng tiêu rồi?

Đối với người nông dân, có 2 yếu tố rất quan trọng, đó là cái đầu và cái túi. Nhà nước chỉ cần điều tiết 2 cái này là được. Khi người nông dân đáp ứng đủ tiêu chuẩn vay vốn, tức là đầu tư cái túi, thì cần có kế hoạch tư vấn cách làm. Bằng cách nào? Đó là phải xóa bỏ sản xuất manh mún, tự phát, tập trung người nông dân lại, mở các lớp tập huấn, đào tạo kiến thức, làm sao họ hiểu đặc tích sinh trưởng, các loại bệnh phổ biến và cách điều trị của cây, con mình nuôi trồng… Làm sao sản xuất phải gắn chặt với thị trường. Từ đó, họ sẽ có một mô hình đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, sản phẩm có thương hiệu, không lo giá cả trồi sụt… “Còn kiểu mạnh ai nấy làm như hiện nay, rủi ro quá lớn”, ông Bính nói.

Vượt quy hoạch 5 lần

Theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích hồ tiêu ở Tây Nguyên là 17.800ha. Nhưng tính đến cuối năm 2017, diện tích hồ tiêu vùng Tây Nguyên đã lên khoảng 92.000ha, tăng hơn 5 lần. Riêng Gia Lai, theo quy hoạch đến năm 2020 là 6.000ha nhưng đến cuối năm 2017 đã đạt 16.322ha. Từ chỗ diện tích tăng, sản phẩm tiêu xuất ra thị trường cũng tăng, cung vượt cầu. Đó là nguyên nhân chính khiến giá tiêu giảm sâu.


Tác giả bài viết: PHÚC LẬP

Nguồn tin: báo nông nghiệp