15:53 EDT Thứ năm, 28/03/2024

Đăng nhập

Thống kê chung

Đang truy cậpĐang truy cập : 3


Hôm nayHôm nay : 1052

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 58925

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 5123489

Trang nhất » Tin tức » Trang chủ

Thuốc độc ở chính trong ta: Báo động đỏ khi làng quê không còn là nơi trong lành, an toàn

Thứ sáu - 27/07/2018 05:29
Thuốc độc ở chính trong ta: Báo động đỏ khi làng quê không còn là nơi trong lành, an toàn

Thuốc độc ở chính trong ta: Báo động đỏ khi làng quê không còn là nơi trong lành, an toàn

Kết quả, 138 trường hợp có nguy cơ và 43 trường hợp không an toàn (56,8% và 17,7%). Đáng chú ý là thuốc không chỉ ảnh hưởng đến người lớn mà còn cả trẻ con thông qua hít thở không khí ô nhiễm, qua nông sản và qua tiếp xúc...

Bà ơi, cháu có ra đồng đâu mà nhiễm độc?

Trước đợt thử máu cho cán bộ ở Hà Nội hơn 1 năm là đợt thử máu cho nông dân ở xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (tháng 6/2016) để khảo sát mức độ phơi nhiễm thuốc trừ sâu trong một vùng có nguy cơ cao. Đơn vị thực hiện vẫn là Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y tế, sử dụng phương pháp đánh giá nồng độ cholinesterase trong huyết tương bằng giấy phản ứng. Có tổng số 243 người tham gia gồm 156 người lớn và 87 trẻ em.

Kết quả, 138 trường hợp có nguy cơ và 43 trường hợp không an toàn (56,8% và 17,7%). Đáng chú ý là thuốc không chỉ ảnh hưởng đến người lớn mà còn cả trẻ con thông qua hít thở không khí ô nhiễm, qua nông sản và qua tiếp xúc với bề mặt bị ô nhiễm. Cơ quan chức năng kết luận: “Tiếp xúc với chất gây hại đã làm giảm hoạt tính của cholinesterase trong huyết tương của nông dân và trẻ em sống trong khu vực nguy cơ. Nếu không có bất kỳ giải pháp nào nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tiềm năng của chúng”.

Ngày đó, làng trên xóm dưới đều vang lên những tiếng ca thán: “Mày ơi, tao bị rồi”. Chị Nguyễn Thị Hằng ở thôn Tàu Giang khi ấy 48 tuổi cùng cháu ngoại là Nguyễn Ngọc Diễm 7 tuổi đi thử máu về mà buồn bã khôn nguôi. Chị bị nhiễm độc nặng đã đành mà đứa bé cũng chớm mắc. Nó còn ngây thơ hỏi: “Bà ơi, cháu có ra đồng làm đâu mà cũng bị nhiễm độc?”.

13-41-35_dsc_1591
Hai bà cháu chị Hằng đều phát hiện dư lượng thuốc BVTV trong máu vượt ngưỡng

Nhà nông hay lam hay làm, cấy hơn 1 mẫu ruộng chị còn trồng 2,6 sào dưa chuột bao tử chuyên dành cho chế biến. Khác với giống dưa chuột ta, dưa chuột bao tử ra rất nhiều hoa, đậu quả liên tục nên cây rất yếu, hay bị nhiễm sâu bệnh.

Chị kể: “Dưa từ lúc trồng đến lúc ra quả 1 tuần phun 1 lần nhưng từ lúc cho thu hoạch trở đi cứ 4 ngày phải phun 1 lần, cũng có khi cách 1 ngày phun 1 lần vì hay mắc bệnh đốm lá, rụt ngọn. Vụ dưa đông kéo dài 3,5 tháng, vụ xuân 3 tháng phải phun khoảng 20 - 25 lần thuốc. Lúc bị bệnh nặng, sáng phun chiều hái cũng có khi vừa phun xong đã hái luôn vì ngày phải trẩy 2 lần, thuốc còn nhỏ tong tong vẫn cứ hái bởi chỉ to hơn ngón tay là quả bị loại”. Về sau, do ám ảnh bệnh tật bởi phun quá nhiều thuốc sâu mà chị Hằng đã bỏ nghề trồng dưa.

Cũng bị nhiễm độc nặng có bà Nguyễn Thị Bên, 70 tuổi. Lúc còn trong tổ khoa học kỹ thuật của HTX ngày trước bà đã quen bốc DDT 666 bằng tay trần để bỏ vào nõn ngô, nõn mía và chứng kiến được nhiều chuyện bi hài. Khi con trâu của nhà ông Đoàn Văn Hương trong làng bị rận, chủ của nó đã lấy DDT 666 bôi lên khiến cho con vật phát điên chạy khắp thôn rồi nhào xuống cái giếng làng để tắm. Chẳng may cái giếng cũng vừa bị đổ cả một thùng phuy thuốc Vophatoc nên nó hết đường sống (do xe vận chuyển đánh rơi thuốc, nặng quá không vớt lên được nên người ta tháo nắp đổ hóa chất ra để lấy vỏ phuy).

DDT 666 là chất cực độc mà ngay từ thập niên 70 của thế kỷ trước thế giới đã cấm sử dụng, đã phải chôn chúng trong những “hầm mộ” bằng bê tông như xử lý chất phóng xạ vì khó phân hủy thì ở ta vẫn cho dùng, về sau khi có lệnh cấm thì chôn thẳng luôn xuống đất.

Ngoài DDT 666, bà Bên thường phải lội chân trần trong những bể thúc mầm đổ ngập thuốc đỏ. Thấy vậy có kỹ sư đã cảnh báo: “Chị làm như thế thì sau này vôi hóa từ ngón chân lan đến tim là chết” nhưng bà nào có để tai. 20 năm cống hiến cho tổ khoa học rồi mấy chục năm cặm cụi với mấy sào ruộng của nhà, bà chẳng nề hà chuyện gì.

undefined
Bà Bên với cái phim chụp nội tạng

Có lần đang rắc thuốc ốc bà bị sốc phải bò lên bờ. Thấy vũng nước trong bà liền rửa mặt nhưng không ngờ nó đã bị nhiễm thuốc. Sau một đêm ngủ dậy, hai con mắt của bà phồng to lên như hai cái bong bóng cá, không thể nhắm lại được nữa, phải đi sục rửa và tiêm kháng sinh.

Thuốc ốc chỉ phát tác trong môi trường có nước. Bởi thế sau cơn mưa hoặc đợt bơm dưỡng đầu tiên dân làng lại tấp nập đi đánh thuốc ốc, kể cả phải đeo đèn lúc nửa đêm. Thuốc rắc xong người chỉ đi 5 - 10m là cá nhảy lên như bị điện giật, ngửa trắng bụng, ếch nhái nhảy lao xao như bị nhúng vào a xít còn ốc thì chết chìm hôm sau mới nổi…

65 tuổi bà mới chịu buông bỏ ruộng đồng khi phát hiện ra tim có 36 điểm vôi hóa, đại tràng, dạ dày, ngón tay, ngón chân đều suy thoái nặng nề. Hai tay giờ đây yếu đến nỗi không xách nổi vật nặng quá 5kg còn ngón chân bà vôi hóa đau nhức đến mức thường xuyên phải ngâm trong chậu thuốc Cloxit loãng.  

Cẩn thận nhất làng vẫn có nguy cơ

Chị Đỗ Thị Xuyến - y tế cơ sở phụ trách thôn Nam Xá 3 là người cẩn thận có tiếng. Cách đây 6 năm chị là người đầu tiên trong làng bỏ ra mấy triệu đồng để mua máy lọc nước. Rau chị chỉ rửa nước một chiều, thịt mua về đều chần qua nước sôi, hoa quả hái trong vườn cũng vẫn cứ nhúng vào chậu.

Bởi thế hôm biết mình và đứa cháu nội 8 tuổi đều vượt ngưỡng dư lượng thuốc BVTV, chị cứ ngậm ngùi mãi: “Tôi nghĩ do môi trường không khí, nhà ở ngay chân ruộng, bên kia phun thuốc bên này hứng đủ. Thứ nữa là do nước sinh hoạt. Tiếng là có nước máy 3 - 4 năm nay nhưng tất cả từ bao bì thuốc BVTV đến lợn gà chết họ đều quẳng xuống sông, ngay đầu vào của nhà máy”.

Hàng xóm có chị Nguyễn Thị Nguyên bữa ấy cũng dắt con đi thử máu, kết quả mẹ bị còn con không. Mọi sự nghi ngờ đều đổ dồn cho 3 sào dưa chuột bao tử: “Tôi không thể nhớ được số lần phun thuốc cho 1 vụ dưa. Nếu trời hay mưa thì 3 - 4 ngày phun 1 lần, còn không thì 1 tuần 1 lần. Tính ra 1 sào hết khoảng 1 triệu đồng tiền thuốc”.

Cùng trồng dưa nhưng chị Đinh Thị Khần khi thử lại không bị nhiễm độc nên không hề biết sợ: “Một vụ dưa ít nhất phải phun 15 lần thuốc. Phun thì cứ phun nhưng dưa vẫn phải hái hàng ngày không để quá tiêu chuẩn 100 quả/kg”. Thuốc BVTV nhiều đến nỗi lắm người cẩn thận khi hái dưa còn phải đi găng tay để khỏi bị dính…

Chị có bao giờ dám ăn dưa của mình trồng không? Tôi hỏi. Chị Đinh Thị Khần cười: “Nếu 5 ngày phun 1 lần thì phải chờ đến ngày thứ 4 tôi mới dám ăn còn những ngày mới phun chỉ dùng để bán”.

Mỗi năm dân Nhân Nghĩa cấy khoảng 2.000 mẫu lúa, trồng khoảng 250 mẫu dưa chuột bao tử và 600 mẫu bí đỏ. Họ thường có xu hướng phun gộp nhiều loại thuốc vào một lần bởi khan hiếm lao động. Cũng do thiếu nhân công mà họ chuyển từ cấy mạ sang sạ, từ nhổ cỏ sục bùn sang dùng thuốc trừ cỏ, trừ ốc bươu vàng.

Trong lúc chờ đợi buổi làm việc với ông Đinh Viết Cương - Giám đốc HTX NN Nhân Nghĩa, tôi nhẩn nha đếm đám giấy khen đang treo trên bức tường loang lổ, trong đó có 2 huân chương lao động.

Ông Cương giải thích, HTX mình rất nổi tiếng vì biết trồng dưa chuột bao tử đầu tiên của tỉnh, là nơi mà các nhà máy chế biến khắp miền Bắc thường tìm về mỗi khi khan hàng.

Tuy nhiên đúng là có vấn đề với dư lượng thuốc BVTV trên quả dưa, ông nói: “Ước lượng khoảng 30 - 40% rau màu của xã chưa an toàn mà chủ yếu là dưa chuột bao tử. Vấn đề thuốc sâu này không đáng ngại cho lắm bởi khi đưa vào bể muối có thể đẩy ra được hết nên chỉ sợ mỗi cái là thừa nitơrat (đạm)”.

13-41-35_dsc_1605
Cảnh mua thuốc ở một đại lý

Mấy năm trước HTX thí điểm xây dựng được 12ha dưa VietGAP nhưng chỉ được thời gian là tan bởi GAP hay không GAP giá bán vẫn như nhau. Căn nguyên của vấn đề lạm dụng thuốc BVTV theo ông Cương thứ nhất là do nhận thức của dân còn kém. Thứ nữa là do các cấp chính quyền tuy có quan tâm nhưng lại không sâu sát. Bao bì thuốc BVTV vứt bừa bãi, cấp giấy chứng nhận kinh doanh cho đại lý nhưng không mấy khi kiểm tra, thuốc hết hạn, thuốc ngoài danh mục trước đây vẫn có nhưng khi đoàn chức năng về thường không còn gì…

Lẽo đẽo theo lão nông Đinh Văn Thì ra đồng để chứng kiến cảnh phun thuốc. Vỏ chai ghi pha với 16 lít nước nhưng ông chỉ pha với 12 lít cho thật đặc. Hơi thuốc phì phì ra khỏi đầu vòi, hễ chạm vào mảng xanh nào thì chỉ khoảng 1 tiếng sau là chuyển sang màu úa vàng hệt như bị dội bằng nước sôi. Cái giá cho việc diệt cỏ của 1 sào canh tác chỉ rẻ mạt 10.000 đồng nên ông không hề phải đắn đo nhiều nhưng cái giá phải cho sức khỏe và môi trường thì lại rất đắt.

13-41-35_dsc_1611
Ông Thì trên đường đi phun thuốc trừ cỏ
Có một điều trùng hợp giữa xã Mê Linh của Hà Nội và xã Nhân Nghĩa của Hà Nam là tự tử bằng thuốc trừ cỏ. Ngày 5/3/2018 anh C.V.C ở thôn Đức Ngoại vừa chết xong thì ngày 8/3 bà C.T.B ở cùng thôn cũng quyên sinh. Tôi tìm đến Trạm y tế xã để tìm hiểu về chuyện này thì ngay cả hai bên cổng Trạm, nơi người dân tranh thủ trồng rau cũng phun trắng xóa thuốc trừ cỏ.
 

Tác giả bài viết: DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video media