08:13 EDT Thứ năm, 12/09/2024

Đăng nhập

Thống kê chung

Đang truy cậpĐang truy cập : 7


Hôm nayHôm nay : 2283

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 30325

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 5498366

Trang nhất » Tin tức » Trang chủ

Xót xa thủ phủ 'vàng đen': Ia BLứ đìu hiu, nhiều hộ 'gục' theo cây tiêu.

Thứ ba - 18/12/2018 21:32
Vài năm trước, giá hồ tiêu ở Tây Nguyên tăng cao chóng mặt, người nông dân như “say nắng”, tài sản có bao nhiêu, mang hết ra thế chấp ngân hàng để vay vốn đầu tư. Khi diện tích hồ tiêu vượt tầm kiểm soát, cũng là lúc hàng loạt vườn tiêu chết trắng, không có cách gì ngăn cản nổi.

Và ngay thời điểm này, hậu quả để lại đã quá lớn: Nông dân trắng tay, lâm cảnh khốn cùng, nợ ngân hàng lên đến nhiều ngàn tỷ đồng.

Cách đây 5 năm, đến xã Ia Blứ, huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai, ai cũng xuýt xoa vì không khí tấp nập, xe hơi, xe tải của thương lái đến mua hồ tiêu dập dìu, người dân hồ hởi, nét mặt tươi rói vì tiêu giá “khủng”. Khung cảnh ấy bây giờ không còn, thay vào đó là cảnh đìu hiu, vắng vẻ, hoang tàn, là những ngôi nhà khóa trái cửa, nằm im lìm giữa vườn trụ tiêu lạnh lùng chĩa thẳng lên trời.  

Chết nhanh như bị dội nước sôi

Cách QL14, con đường đẹp nhất Tây Nguyên, chỉ vài cây số, xã Ia BLứ, không chỉ có giao thông thuận tiện, mà còn được thiên nhiên ban cho dải đất bazan màu mỡ, rất phù hợp cho cây hồ tiêu phát triển mạnh. Thời hoàng kim của cây hồ tiêu, Ia BLứ được coi là thủ phủ hồ tiêu của huyện Chư Pứh, mà Chư Pứh là huyện nhiều hồ tiêu nhất tỉnh. Nhờ cây hồ tiêu mà Ia Blứ từng là một trong những xã giàu nhất huyện, tỉnh. Nhưng nay, thay vào sự giàu sang xưa là cảnh đìu hiu, vắng vẻ.

Từ QL14 rẽ vào con đường liên xã Blứ, chúng tôi thấy rất nhiều biệt thự, nhà tầng xen lẫn vườn tiêu, nhưng đóng cửa im ỉm. Hầu hết những vườn tiêu đã chết sạch, nhiều vườn đã nhổ hết trụ, chất đống, còn vườn để đất trống, nhưng không ít vườn, chủ nhân vẫn để nguyên trụ, chẳng buồn nhổ bỏ, nhìn như một bãi chông chĩa thẳng lên trời.

15-59-58_nh_615-59-58_nh_7
Hầu hết các vườn tiêu ở Ia Blứ nói riêng, huyện Chư Pứh và cả tỉnh Gia Lai nói chung, trong tình trạng như thế này

Theo chân ông Lê Quang Vang, Phó Chủ tịch xã Ia BLứ, chúng tôi đến gia đình ông Nguyễn Hải, 58 tuổi, ở thôn Phú Hà. Một căn nhà xây khá to, nhưng cửa đóng then cài, cỏ mọc um tùm trước sân, anh Ngọc, cán bộ nông nghiệp xã Ia Blứ, cho biết, vợ chồng ông Hải là một trong số những hộ sản xuất rất giỏi, nhưng bây giờ cũng trắng tay. Ngồi trước căn nhà đóng cửa im ỉm chừng 20 phút thì ông Hải về, đất đỏ dính từ đầu, mặt, quần áo ông mặc đến chiếc xe cào cào.

Lời đầu tiên của ông sau khi gật đầu chào chúng tôi là: “Vợ chồng tôi nợ ngân hàng 1,6 tỷ rồi mấy chú à. Nhà này bây giờ của ngân hàng, họ muốn lấy lúc nào thì chúng tôi giao lúc đó”. Tôi hỏi: “Ngân hàng đến lấy nhà thì anh chị ở đâu?”. Anh đáp: “Thì vợ chồng tôi giao nhà, rồi dọn đồ ra ngoài kiếm cái chòi nào ở tạm thôi chứ biết ở đâu giờ”.

15-59-58_nh_9
Những căn nhà bị siết nợ, đập bỏ như thế này không thiếu

Trầm ngâm giây lát, ông Hải kể: “Vườn tiêu của tôi hồi trước, có thể nói là đẹp nhất vùng này, ai thấy cũng xuýt xoa. Nhiều người đến chụp hình lắm. Vậy mà trong vòng có 1 tháng thôi, nó chết sạch sẽ, không còn trụ nào. Chúng tôi làm đủ cách, mà không ngăn được nó chết. Chẳng khác gì tưới nước sôi. Đành buông tay!”.

15-59-58_nh_11
Vợ chồng ông Nguyễn Hải trước căn biệt thự lớn, nay cũng trắng tay

“Gục” theo tiêu

Ở thôn 5, xã Ia Pal, huyện Chư Pứh, vườn tiêu của gia đình anh Nguyễn Văn Tám vài năm trước là niềm mơ ước của nhiều người. Chỉ trên một khoảnh đất nhỏ, gần 2.000 trụ tiêu được hai vợ chồng trẻ dày công chăm bón, trĩu quả nhưng giờ đây phải chứng kiến cảnh tiêu từng ngày chết rụi. “Nhiều cây chết nhanh đến nỗi lá khô vẫn dính sum suê trên trụ y hệt như bị chất độc hóa học”, anh Tám nói.

Anh Tám cho biết: “Cách đây 4 năm, bình quân mỗi năm vợ chồng tôi thu về hơn 1 tỷ tiền tiêu, lãi ngân hàng trả đúng kỳ, đáo hạn đúng hạn. Nên vay vốn dễ lắm. Còn 3 năm nay, cứ năm này khó khăn nhiều hơn năm trước, đến giờ thì chúng tôi “gục” thật sự rồi. Anh Tám cho biết, nghe đâu ngoài thị trấn đã có 4 người vì chịu không nổi áp lực nợ trong nợ ngoài nên đã uống thuốc độc tự tử.

Từ hai bàn tay trắng, vợ chồng chị Hồ Thị Hạnh (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) đã từng bước tạo lập được một cơ ngơi vững vàng nhờ cần mẫn trồng hồ tiêu. Song đáng buồn thay, việc chăm chỉ lao động, không ngừng mở rộng sản xuất lên đến con số 8.000 trụ tiêu đã để lại cho gia đình chị số nợ ngân hàng hơn 4 tỷ đồng. 

Theo chị Hạnh, cứ năm nào làm có lãi là vợ chồng lại mua thêm đất để trồng thêm tiêu với hy vọng cuộc sống sau này đỡ cực, 5 đứa con sẽ có tương lai tốt đẹp hơn. Không ngờ, sướng đâu chưa thấy, chỉ sau 3 mùa tiêu bệnh, gia đình phải suốt ngày bở hơi tai chạy đôn chạy đáo, chầu chực vay nóng đảo nợ ngân hàng, vay nguội trả nợ vay nóng, vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng kia. Và đến giờ, gia đình chị đã bất lực trước món lãi hơn 30 triệu đồng/tháng.

Nói về "thảm cảnh” của dân trồng tiêu, ông Văn Viết Sỹ, năm nay 69 tuổi, xã Ia Pal, thở dài: “Đàn ông trong độ tuổi lao động, bỏ đi các nơi làm thuê hết rồi. Đó chỉ là mới trả lãi, chứ tiền gốc nợ hàng tỷ đồng thì không trả nổi nữa”.

Ông Sỹ trồng 4.000 trụ tiêu, chết hơn 90%, số còn lại đang ngắc ngoải, khó sống. Thời thịnh vượng, nhà ông lúc nào cũng thuê hơn chục nhân công hái tiêu làm suốt mấy tháng liền. Nhìn sang căn nhà người em trai tên Văn Viết Nhân bên cạnh, ông Sỹ buồn rầu: “Vợ chồng nó, xây xong căn nhà thì đúng đỉnh điểm tiêu chết. Hết cách, nó dắt díu vợ con vào Bình Dương làm công nhân. Căn nhà ngân hàng siết nợ. Chỉ những thanh niên mới cưới vợ, ra ở riêng, chưa có sổ đỏ, không cầm cố được là không nợ. Còn 90% dân số của xã là nợ ngân hàng, ít thì 200 triệu, nhiều thì cỡ 2 tỉ đồng, 8-10 ngân hàng trên địa bàn vây quanh kê biên, phát mãi”. Nhiều hộ dân vay nợ tứ tung, dốc tất cả các biện pháp cứu sống cây tiêu. Có hộ bỏ hàng trăm triệu thuê cả kỹ sư nông nghiệp, rồi cũng chịu thua. Hồ tiêu vẫn không thể sống dậy.

15-59-58_nh_215-59-58_nh_415-59-58_nh_1
Rất nhiều biệt thự, nhà to ở xã Ia Blứ cửa đóng then cài vì tiêu

Nói về hành trình cứu tiêu, ông Phan Hồng Sơn kể, thấy tiêu chết không có cách cứu vãn, ông dốc hết vốn liếng, mua một vạt đất sát bìa rừng, nơi rất ít người đặt chân đến và cách xa những vườn tiêu chết, để… trồng tiêu. Thời gian đầu, vườn tiêu lớn nhanh, xanh mướt... nhiều lãnh đạo huyện, tỉnh vào tham quan, hy vọng có cách cứu tiêu chết… “Nhưng khi tiêu sắp hái thì đổ ra chết hàng loạt”, ông Sơn kể, nét mặt rộ rõ sự xót xa. Bây giờ ở huyện Chư Pưh, nhan nhản các tấm bảng treo biển bán nhà. Trẻ con nheo nhóc, thất học vì gia đình đổ nợ.

Vợ chồng dắt díu nhau đi làm thuê

Gia đình ông Phan Hồng Sơn, 70 tuổi, ở thôn Phú Hà từng sở hữu một căn biệt thự thuộc loại “hoành tráng”. Tiếp chúng tôi trên bộ salon được chế tác cầu kỳ từ những gốc cây ngay trước hiên nhà, ông Sơn mở lời: “Vợ tôi đi TP.HCM gần tháng nay rồi. Bả xuống đi làm thuê cho người ta. Nghe đâu lương 3 triệu đồng/tháng, bao ăn ở”. Tôi hỏi: “Cô năm nay bao nhiêu tuổi rồi mà còn đi làm ăn xa vậy chú?”. Ông Sơn đáp: “Bả cùng tuổi với tôi. Lớn thì lớn, đói phải bò thôi chú. Giờ ở nhà biết làm gì ra tiền? Tôi cũng đang chuẩn bị theo chân bả đây, xuống Sài Gòn nhờ người quen giới thiệu công việc giữ xe, hay bảo vệ. Nhà tôi hiện đang nợ ngân hàng 1,5 tỷ, nhà này cầm hết cho ngân hàng rồi”.

"Người dân xã này xưa giờ chủ yếu trồng tiêu, giàu lên nhờ tiêu, và bây giờ trắng tay cũng do cây tiêu. Hiện nay, tiền dân nợ ngân hàng cả trăm tỷ. Đây là nợ khó đòi, vì dân họ vay đầu tư cây tiêu, mà tiêu thì chết sạch rồi, còn người dân họ buông xuôi, sẵn sàng giao tài sản cho ngân hàng, bỏ xứ đi làm thuê. Chúng tôi cũng đã báo cáo tình hình lên cấp trên để xin chỉ đạo…"

Ông Lê Quang Vang - Phó chủ tịch xã Ia BLứ, huyện Chư Pứh, Gia Lai.


Tác giả bài viết: PHÚC LẬP

Nguồn tin: báo nông nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video media