05:58 EDT Thứ ba, 19/03/2024

Đăng nhập

Thống kê chung

Đang truy cậpĐang truy cập : 1


Hôm nayHôm nay : 392

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 41110

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 5105674

Trang nhất » Tin tức » Trang chủ

Giải pháp của Bộ trưởng Nông nghiệp “hiền quá”

Thứ tư - 12/06/2013 11:07
Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn

Chia sẻ khó khăn của ngành Nông nghiệp và cá nhân Bộ trưởng Cao Đức Phát nhưng đại biểu Trần Hoàng Ngân góp ý, Bộ trưởng cần thể hiện sự mạnh mẽ hơn trong những kiến nghị, giải pháp.
Là người đăng đàn đầu tiên trong số 5 thành viên Chính phủ, trước khi phần chất vấn trực tiếp diễn ra, Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát đã nhận được tới 21 câu hỏi của 14 đại biểu.

Mở đầu buổi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm nêu thực trạng ngành chăn nuôi đang suy giảm do dịch bệnh gia tăng, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao… và đề nghị Bộ trưởng Nông nghiệp có biện pháp giải quyết. Tình trạng lâm tặc phá phá rừng nghiêm trọng khắp cả nước cũng được nữ đại biểu này đề cập.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá cao đóng góp của ngành nông nghiệp thời gian qua, đặc biệt là việc góp phần vào kim ngạch xuất khẩu giúp cho Việt Nam đạt thành tích xuất siêu 2012, kìm chế lạm phát. Tuy nhiên, theo ông, ngành nông nghiệp và người nông dân còn đứng trước khó khăn. “Nông dân đang lỗ kép, doanh thu thì suy giảm nhưng chi phí tiêu dùng vẫn tăng”, đại biểu Ngân nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân.

Ông nêu câu hỏi đầu tiên nhấn mạnh việc Bộ trưởng và ngành nông nghiệp có giải pháp gì đột phá nhất, mới nhất giúp nông nghiệp phát triển bền vũng và giúp nông dân thoát nghèo. Liên quan tới các gói giải pháp của Chính phủ, đại biểu Ngân đề nghị Bộ trưởng nêu quan điểm về việc cần thiết có giải pháp cụ thể hơn, trực tiếp hơn thông qua hỗ trợ tài chính tiếp, bao gồm cả nguồn vốn, cho người nông dân.

Ông Cao Đức Phát cho hay, trước những khó khăn của ngành chăn nuôi, Bộ đã giám sát chống dịch gia cầm, lở mồm long móng và cơ bản khống chế. Thời gian tới, Bộ sẽ rà soát để tái cơ cấu ngành chăn nuôi như xác định gia súc phù hợp với các tiểu vùng. Bên cạnh đó, khuyến khích sản xuất thức ăn bằng nguyên liệu trong nước để giảm giá thành…

Về tình trạng lâm tặc, theo ông Phát, Bộ Nông nghiệp đã cùng các bộ, địa phương chú trọng, thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn nhưng vẫn xảy ra, dù số lượng vi phạm dù có giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước dư luận rằng kiểm lâm thoái hóa đã tiếp tay phá rừng, Bộ đã kiểm tra và luân chuyển hơn 800 người, xử lý hơn 100 người. Giải pháp của Bộ Nông nghiệp là cần tiếp tục giao đất khoán, thu phí dịch vụ rừng hỗ trợ cho người dân. Ngoài ra, điều quan trọng là giao trách nhiệm và đảm bảo cấp chính quyền và cơ sở thực hiện chủ trương bảo vệ rừng.

Với chất vấn của đại biểu Trần Hoàng Ngân, ông Phát cho hay, giải pháp quan trọng có tích chất đột phá là tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn; xây dựng tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới. “Thủ tướng đã phê duyệt chương trình tái cơ cấu và Bộ đã bàn bạc phân công, triển khai trong toàn ngành. Như vậy mới giải quyết căn cơ”, ông Phát nói.

Ông Phát cũng cho biết, hiện khó khăn lớn nhất ngành nông nghiệp gặp phải là thị trường. “Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp mua một triệu tấn lúa, giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long vì thế đã nhích lên 100 – 200 đồng”, ông Phát nói.

Cũng theo ông, Chính phủ đã chỉ đạo ngân hàng hỗ trợ để người dân không phải bán vội lúa trả nợ, duy trì đàn gia súc; đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu để tiêu thu nông sản cho nông dân. Còn giải pháp lâu dài đã nằm trong đề án tái cơ cấu.

Theo đó, một mặt sẽ hỗ trợ nông dân trực tiếp, mặt khác đầu tư vào những nhiệm vụ có tính chất lâu dài và căn cơ như nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cấp, cải tiến các loại giống vật nuôi, giảm giá thành, nâng chất lượng sản phẩm, hạ tầng giúp nông dân sản xuất hiệu quả.

Sau trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Trần Hoàng Ngân tiếp tục đăng đàn nhưng ông không tái chất vấn. Chia sẻ với khó khăn của ngành nông nghiệp cũng như sự lắng nghe, trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát nhưng ông vẫn băn khoăn vì “giải pháp của Bộ trưởng còn hiền quá”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Đại biểu này dẫn chứng, ngành vật liệu xây dựng, bất động sản trong thời gian qua, khi khó khăn thì bộ trưởng, thứ trưởng xây dựng thường xuyên tổ chức hội thảo, yêu cầu, đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải có giải pháp hỗ trợ.

“Trong khi ngành nông nghiệp, nông dân vô cùng khó khăn thì tiếng nói của mình còn nhẹ quá. Tôi rất mong Bộ trưởng thể hiện sự mạnh mẽ hơn trong những kiến nghị, giải pháp, đốc thúc hỗ trợ nông nghiệp, nông dân bằng những gói hỗ trợ cụ thể” – Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Ý kiến của của đại biểu Ngân được Chủ tịch Quốc hội bình luận là “lời khuyên” dành cho người đứng đầu ngành nông nghệp.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa nêu nguy cơ nông nghiệp lệ thuộc vào nước ngoài khi phải chi hàng trăm triệu USD nhập hạt giống và 70% thức ăn chăn nuôi phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI.

“Có thông tin nói giống lúa nước ta 60-70% phụ thuộc nước ngoài. Tôi xin khẳng định là không chính xác. Các loại giống, cây trồng, vật nuôi cơ bản sản xuất trong nước”, ông Phát khẳng định.

Theo ông, Việt Nam tự sản xuất giống các loại lúa thuần, tuy có tiếp nhận nguồn gene nước ngoài nhưng khi về thì đã được chọn tạo và tự nhân ra. Riêng miền Bắc có một số diện tích lúa lai trong đó khoảng 70-75% nhập từ Trung Quốc do phẩm chất lúa lai của Việt Nam chưa tốt bằng. Còn cây cao su và nhiều loại cây khác đều do Việt Nam tự chọn.

Đối với gia súc, Việt Nam có nhập một số con đầu dòng (ông bà, cụ kỵ) sau đó tổ chức nhân ra thành giống thương phẩm. “Phân bón do ta không có nguồn kali nên nhập hầu hết. Phốt pho nhập 1/2, phân đạm tự chủ khoảng 2/3. Một số nhà khoa học tính toán năm 2012 ta nhập 33% nguyên liệu thức ăn nông nghiệp, gồm 1,3 triệu tấn ngô, 1 triệu tấn đỗ tương và 2 triệu tấn khô dầu”, ông Phát thông tin.

Bộ trưởng Nông nghiệp thừa nhận, đúng là có một số mặt hàng Việt Nam chất lượng thua kém so với các nước sản xuất nông nghiệp (chỉ ở mức là trung bình khá). Các loại nông sản khác như cà phê, chè cũng tương tự.

“Chính vì thế chúng tôi thấy rằng tập trung nâng cao chất lượng nông sản là nhiệm vụ chính của ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Đó là mục tiêu trong đề án tái cơ cấu của ngành”, ông Phát nói.

Liên quan tới câu hỏi của nhiều đại biểu về quản lý thuốc bảo vệ thực vật, trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Nông nghiệp cho hay, đây là vấn đề bức xúc với ngành. Thời gian qua Chính phủ đã có 3 nghị định triển khai pháp lệnh, đồng thời Bộ cũng xây dựng hàng loạt tiêu chuẩn kỹ thuật để quản lý. Bộ Nông nghiệp cùng các địa phương đã tiến hành kiểm tra, xếp hạng các cơ sở kinh doanh mặt hàng này.

Liên quan tới việc phát triển thủy điện khiến nhiều diện tích rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh phải hi sinh, trong đó nổi lên 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A, đại biểu Trương Văn Vở yêu cầu Bộ trưởng Nông nghiệp nêu rõ trách nhiệm cá nhân để kiến nghị Chính phủ bảo vệ rừng nguyên sinh.

“Bộ trưởng có đồng tình loại khỏi quy hoạch 2 dự án thủy điện này không?”, ông Vở hỏi thẳng. “Quan điểm của tôi là nên hạn chế lấy rừng ở nơi rừng đã được quy hoạch làm rừng đặc dụng, phòng hộ xung yếu”, ông Phát trả lời.

Bộ trưởng cho hay, trên cơ sở đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Nông nghiệp, Chính phủ sẽ có báo cáo Quốc hội do diện tích rừng ở Vườn quốc gia Cát Tiên phục vụ cho 2 dự án này lớn hơn 50 ha, thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

“Chúng tôi sẽ báo cáo trung thực về việc lấy và sử dụng đất rừng”, ông Phát khẳng định.

(TNVN)

Nguồn tin: TTXVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video media